Ruột là cơ quan quan trọng của hệ tiêu hóa, là một phần ống tiêu hóa từ phần dưới dạ dày đến hậu môn, bao gồm ruột non (tiểu tràng) và ruột già (đại tràng). Chức năng chính của ruột là vận chuyển tiêu hóa thức ăn, hấp thu dinh dưỡng và thải các chất cặn bã ra ngoài. Thành ruột chứa một lượng lớn các tế bào thần kinh, thực hiện chức năng truyền tín hiệu đến các bộ phận khác trong cơ thể. Đó là lý do tại sao khi căng thẳng, lo âu, bụng rất dễ bị đau hoặc xuất hiện tình trạng tiêu chảy, táo bón và ruột cũng được ví như não bộ thứ 2 của con người. Hãy cùng tìm hiểu cấu tạo và chức năng của ruột để chủ động bảo vệ sức khỏe đường ruột nhé.

I.  CẤU TẠO VÀ CHỨC NĂNG CỦA RUỘT

Ruột gồm có ruột non và ruột già với cấu tạo và chức năng như sau:

1. Ruột non

Ruột non nối trực tiếp với dạ dày, có chiều dài trung bình 3 – 5 mét, người lớn ruột có đường kính 2,5 – 3 cm, diện tích bề mặt niêm mạc ruột non trung bình khoảng 30m2 khi các nếp gấp, nhung mao và vi nhung mao mở rộng. Cấu tạo của ruột non gồm tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng.

  • Tá tràng: là phần đầu tiên của ruột non thông với dạ dày qua lỗ môn vị, dài khoảng 20 – 25cm, hình dạng giống chữ C, thực hiện chức năng nhận thức ăn chưa được tiêu hóa từ dạ dày qua môn vị. Tá tràng sử dụng dịch tiêu hóa từ túi mật, gan và tuyến tụy để tiêu hóa thức ăn, nhũ hóa chất béo thành phân tử micelle.
  • Hỗng tràng: là đoạn giữa của ruột non dài khoảng 2,5m, niêm mạc có các nếp gấp tròn và các nhung mao ruột, thực hiện chức năng vận chuyển thức ăn thông qua hoạt động co bóp, tiêu hóa và hấp thu phần lớn chất dinh dưỡng nhỏ như đường, axit amin và axit béo… đã được tiêu hóa bởi các enzyme trong tá tràng. Phần còn lại sẽ được đưa dần xuống hồi tràng.
  • Hồi tràng: là phần cuối cùng và dài nhất của ruột non khoảng 3m, thực hiện chức năng hấp thu vitamin B12, acid mật và các thành phần dinh dưỡng còn lại, tiếp nhận phần còn lại của thức ăn đã tiêu hóa để vận chuyển vào ruột già.

Thành trong của ruột non có cấu tạo gồm nhiều nếp gấp, làm tăng diện tích bề mặt của cơ quan. Trước khi đến ruột non, thức ăn đã được dạ dày nghiền nhỏ và biến đổi thành dạng lỏng. Mỗi ngày, ruột non tiếp nhận từ 6 – 12 lít chất lỏng. Thành ruột tạo ra dịch tiêu hóa hoặc enzym, kết hợp với enzym từ gan và tuyến tụy để phân giải thức ăn.

2. Ruột già

Ruột già còn gọi là đại tràng, dài khoảng 1,5m, đường kính 6 – 7,5 cm, hình chữ U ngược. Đại tràng là phần cuối cùng của hệ tiêu hóa, nằm trong khoang bụng dưới, từ thắt lưng trở xuống, bao quanh ruột non và kết thúc ở ống hậu môn.

Cấu tạo của ruột già bao gồm:

  • Manh tràng: là phần đầu tiên của ruột già thực hiện chức năng nhận chất lỏng đã được tiêu hóa từ hồi tràng để vận chuyển xuống.
  • Kết tràng: là phần chính của ruột già, thực hiện chức năng tái hấp thu nước và hấp thụ muối. Đại tràng có cấu tạo gồm bốn phần nhỏ:
  • Kết tràng lên: nằm ở bên phải của ổ bụng, co bóp để đẩy các chất chưa được tiêu hóa từ manh tràng đến phần dưới bên phải gan.
  • Kết tràng ngang: Di chuyển từ trái sang phải nằm tầng trên của ổ bụng, thực hiện chức năng vận chuyển thức ăn.
  • Kết tràng xuống: Đại tràng xuống là phần thứ ba của đại tràng, có chức năng đẩy thức ăn từ vị trí gần lá lách xuống phía dưới bên trái bụng.
  • Kết tràng sigma: Hình dạng chữ S, uốn cong vào giữa ruột non, sau đó đổ vào trực tràng.
  • Trực tràng: đây là phần cuối cùng của đường tiêu hóa. Cơ quan này chứa chất thải còn sót lại, duy trì trạng thái mở rộng cho đến khi đi đại tiện.

Chức năng chính của ruột già là hấp thụ nước, các dưỡng chất còn lại, đồng thời phân giải, sản xuất và hấp thụ các vitamin có lợi như vitamin K, vitamin B (B12, B2, B1). Sau khi hấp thụ hết các dưỡng chất còn lại, ruột già sẽ hình thành bã thức ăn và đẩy chúng về phía trực tràng để đào thải ra ngoài.

II.TẠI SAO RUỘT ĐƯỢC VÍ NHƯ NÃO BỘ THỨ HAI ?

Năm 1998, Michael D. Gershon – tiến sĩ Y khoa, nhà thần kinh học ở Mỹ khẳng định đường ruột là “bộ não thứ hai” của con người qua thí nghiệm của ông. “Đường ruột sở hữu một hệ thần kinh riêng biệt, có thể tạo ra các phản xạ mà không cần đến một mệnh lệnh từ não hay tủy sống”.

Kulreet Chaudhary – chuyên gia thần kinh học của Bệnh viện Scripps Memorial cho rằng giúp đường ruột trở nên khỏe mạnh hơn sẽ có rất nhiều lợi ích cho cơ thể. Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn đường ruột có ích phát triển, từ đó thúc đẩy sự hấp thụ các chất dinh dưỡng và giúp cho hệ thần kinh đường ruột phản ứng nhanh nhạy hơn đối với thực phẩm độc hại.

Giáo sư Emeran Mayer – chuyên gia nghiên cứu dạ dày – ruột ở trường đại học California (Mỹ), cho biết đường tiêu hóa liên kết chặt chẽ với não bộ đến nỗi các nhà khoa học thường dùng cụm từ “hệ trục ruột – não” khi đề cập đến hai cơ quan này, 70% hệ miễn dịch của cơ thể nằm tại ruột, ruột khỏe thì não và cơ thể khỏe mạnh, con người mới có thể ăn uống ngon miệng, ngủ ngon, tinh thần thoải mái, tăng sức đề kháng. Đây là một hệ thống giao tiếp hai chiều, trong đó não và ruột liên tục trao đổi thông tin thông qua các con đường thần kinh, nội tiết và miễn dịch. Dây thần kinh phế vị đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tín hiệu giữa ruột và não. Hệ vi sinh vật đường ruột cũng tham gia vào quá trình giao tiếp này, sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh và các phân tử khác ảnh hưởng đến chức năng não bộ

Chức năng hỗ trợ não điều hòa các hoạt động tâm – tinh thần của đường ruột được thực hiện thông qua các nội tiết tố hạnh phúc như serotonin, melatonin, dopamine, endorphine… được sản sinh trong não và đường ruột. Khoa học chứng minh có hơn 90% nội tiết tố hạnh phúc serotonin được sản sinh trong đường ruột.   

Một số ví dụ cho thấy sự liên quan giữa ruột và não: Bị stress thường xuyên có thể gây nên rối loạn tiêu hóa. Mỗi khi phấn khích và lo lắng, ta thường cảm thấy nôn nao hoặc bồn chồn, tăng bài tiết. Đói quá hay no quá đều có thể ảnh hưởng tới tâm trạng hay khả năng làm việc,…

Với chức năng quan trọng của ruột như trên thì việc bảo vệ sức khỏe đường ruột là vô cùng quan trọng nhằm tăng cường miện dịch và phòng ngừa một số bệnh lý liên quan đường ruột như tieu chảy, táo bón, trĩ, hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng,…Để bảo vệ đường ruột khỏe mạnh, cần lưu ý như sau:

  • Chế độ ăn: ăn nhiều rau và chất xơ, quả (hạn chế quả ngọt) đảm bảo đủ các thành phần: chất đạm, chất béo và tinh bột. Không nên ăn quá nhiều thịt đặc biệt là thịt đỏ, tăng cường chất đạm từ cá thay cho thịt. Có thể dùng men vi sinh và các loại thực phẩm có lợi để tăng cường lợi khuẩn cho đường ruột có sẵn trong thức ăn đó là sữa chua.
  • Tránh các loại thực phẩm/ đồ uống có thể gây kích thích đường ruột, như như thức ăn nhiều gia vị, cay, thức ăn nhiều dầu mỡ, hạn chế thức ăn chế niến sẵn, đồ uống chứa cồn, caffeine, gas,…
  • Uống nhiều nước, khoảng 2 lít nước/ ngày
  • Ngủ đủ giấc 6-8h/ ngày
  • Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút/ ngày
  • Không hút thuốc lá
  • Thanh lọc ruột định kỳ theo hướng dẫn của chuyên gia y tế
  • Đi khám bác sĩ và điều trị kịp thời nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường liên quan đến đường ruột như đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đi đại tiện ra máu, …

Write your comment Here