Trào ngược dạ dày thực quản (GERD – Gastroesophageal Reflux Disease) hay thường gọi tắt là trào ngược dạ dày. Đây là một tình trạng bệnh lý xảy ra khi axit dạ dày hoặc thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra các triệu chứng khó chịu.
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) thường được phân loại dựa trên mức độ tổn thương niêm mạc thực quản quan sát được khi nội soi, chia GERD thành 4 cấp độ:
- Độ A: Một hoặc nhiều vết rách niêm mạc ≤ 5 mm không vượt qua đỉnh của 2 nếp niêm mạc
- Độ B: Một hoặc nhiều vết rách niêm mạc > 5 mm không vượt qua đỉnh của 2 nếp gấp niêm mạc
- Độ C: Một hoặc nhiều vết rách niêm mạc cắt ngang ≥ 2 nếp gấp niêm mạc và liên quan đến < 75% chu vi thực quản
- Độ D: Một hoặc nhiều vết rách niêm mạc liên quan đến ≥ 75% chu vi thực quản
Ngoài ra, một số tài liệu cũng nhắc đến cấp độ 0, chỉ tình trạng trào ngược có triệu chứng nhưng không gây ra tổn thương niêm mạc thực quản có thể nhìn thấy khi nội soi (còn gọi là GERD không viêm loét hoặc NERD – Non-Erosive Reflux Disease).

1.Triệu chứng
- Ợ nóng: Cảm giác nóng rát ở ngực, thường sau khi ăn và có thể lan lên cổ họng.
- Ợ chua: Cảm giác có vị chua trong miệng do axit trào ngược.
- Khó nuốt: Cảm giác vướng nghẹn khi nuốt.
- Đau ngực: Đau ở vùng ngực, có thể nhầm lẫn với đau tim.
- Ho mãn tính: Ho kéo dài, đặc biệt vào ban đêm.
- Khàn giọng: Do axit kích ứng dây thanh quản.
- Buồn nôn và nôn: Đặc biệt sau khi ăn no hoặc nằm xuống ngay sau khi ăn.
- Tăng tiết nước bọt.
- Miệng có vị đắng, có thể hôi miệng.

Trào ngược dạ dày có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi và tùy tình trạng, nguyên nhân khác nhau, hội chứng trào ngược dạ dày có thể xuất hiện theo từng đợt hoặc liên tục. Khi các triệu chứng trào ngược dạ dày kéo dài và không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe như: viêm thực quản, xơ hoá thực quản, barrett thực quản, ung thư thực quản,… hoặc một số bệnh lý khác về tai mũi họng.
2.Nguyên nhân

- Khi con người nuốt thức ăn, cơ vòng thực quản dưới (LES – Lower Esophageal Sphincter) sẽ giãn ra, sau đó, sẽ đóng lại nhằm ngăn dịch tiêu hóa chảy ngược. Tuy nhiên, khi cơ này suy yếu, mất toàn bộ trương lực cơ thắt hoặc giãn bất thường, axit và thức ăn có thể trào lên thực quản
- Thoát vị hoành: là tình trạng một phần của dạ dày hoặc các cơ quan khác trong ổ bụng di chuyển lên lồng ngực thông qua một lỗ hoặc khe hở bất thường ở cơ hoành gây áp lực lên van cơ ở cuối thực quản và làm tăng nguy cơ trào ngược
- Tăng áp lực ổ bụng: Béo phì, mang thai có thể làm tăng áp lực lên dạ dày, mặc quần áo quá chật ở vùng bụng đẩy axit trào ngược lên thực quản.
- Thói quen ăn uống và sinh hoạt: Ăn quá no, nằm xuống ngay sau khi ăn
3.Biến chứng tiềm ẩn
Nếu không được điều trị, trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
- Viêm thực quản: Axit dạ dày gây viêm loét niêm mạc thực quản.
- Hẹp thực quản: Sẹo do viêm loét có thể gây hẹp thực quản, dẫn đến khó nuốt.
- Barrett thực quản: Các tế bào lót thực quản bị thay đổi do tiếp xúc lâu dài với axit, làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
- Viêm đường hô hấp: Axit trào ngược có thể xâm nhập vào đường thở gây viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn.
- Hỏng men răng: axit dịch vị có thể ăn mòn men răng

4.Điều trị và phòng ngừa
Việc điều trị trào ngược dạ dày thực quản thường bao gồm thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và sử dụng thuốc. Trong một số trường hợp nặng, có thể cần phẫu thuật.
Lưu ý chế độ ăn uống
Để không làm bệnh bị nặng hơn, đồng thời cải thiện dần thì người bệnh cần lưu ý chế độ ăn như sau:

Các thực phẩm nên tránh
● Chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày thành nhiều bữa, tránh ăn quá no để giúp giảm áp lực lên dạ dày.
● Hạn chế các gia vị cay, chua, dầu mỡ, chocolate, caffeine.
● Không sử dụng thức uống có cồn như bia rượu hoặc thức uống có gas.
● Bệnh nhân trào ngược dạ dày nên cai thuốc lá vì đây là nguyên nhân gây cản trở quá trình làm lành vết thương trong quá trình hồi phục sau viêm của cơ thể.
- Không nằm xuống ngay sau khi ăn, nên chờ ít nhất 2-3 tiếng.
- Nâng cao đầu giường khi ngủ
- Duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì
- Tránh mặc quần áo quá chật
Các nhóm thuốc thường sử dụng trong điều trị GERD
- Thuốc kháng thụ thể H2 (Anti H2): Cimetidine, Ranitidine, Nizatidine,…Nhóm thuốc này thường được uống sau bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI– Proton Pump Inhibitors): Omeprazole, Lansoprazole, Pantoprazole, Esomeprazole,…Nhóm thuốc này thường uống trước bữa ăn sáng 30-60 phút, thường ở dạng bào chế viên tan ở ruột để tăng cường hiệu quả đều trị.
Để có chẩn đoán chính xác và phác đồ điều trị phù hợp, bạn nên đi khám tại các chuyên khoa tiêu hóa để điều trị kịp thời và ngăn ngừa các biên chứng nguy hiểm.

0 comment