Thoái hóa đốt sống cổ hay thoái hóa cột sống cổ (Cervical Degenerative Disease) là tình trạng sức khỏe phát triển từ sự hao mòn của sụn và xương ảnh hưởng đến các khớp và đĩa đệm ở cột sống cổ. Thoái hóa đốt sống cổ hay còn gọi là thoái hóa cột sống cổ, viêm xương khớp cổ hoặc viêm khớp cổ. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau trong công việc, lao động, hoạt động, tuổi tác, có khả năng biến chứng thành mạn tính gây nên tình trạng cứng khớp, làm suy giảm khả năng vận động của người bệnh

Biểu hiện Thoái hóa đốt sống cổ
– Người bệnh có các cảm giác đau, mỏi, nhức khó vận động vùng cổ là biểu hiện điển hình nhất. Đa số các bệnh nhân bị thoái hóa cột sống cổ luôn có cảm giác đau buốt khó chịu, khó chịu ngay cả khi nghỉ ngơi, mọi cử động đều gây đau đớn.
– Các cử động cổ bị vướng và đau, có thể đôi khi bị vẹo cổ. Cơn đau từ gáy lan ra tai, cổ, ảnh hưởng tới tư thế đầu cổ, đau lan lên đầu, có thể nhức đầu ở vùng chẩm, vùng trán, đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay ở cả hai bên.
– Mất cảm giác chi trên: Do sự chèn ép vào cột sống và lớp sụn khớp thoái hóa nên thoái hóa đốt sống cổ ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh vận động ở tay. Cảm giác tê cánh tay, ngón tay, hạn chế khả năng vận động ở tay.
– Cứng cổ: Người bệnh có thể bị cứng cổ vào buổi sáng sớm khi vừa ngủ dậy. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị đau nhức, ê ẩm vùng gáy, sau đầu và cả mảng đầu bên phải làm người bệnh khó khăn khi quay đầu sang hai bên.
– Dấu hiệu Lhermitte, còn được gọi là triệu chứng của bệnh thoái hóa đốt sống cổ đa xơ cứng: Khi thoái hóa đốt sống cổ nặng, bệnh nhân có thể sẽ đối diện với chứng thoái hóa đa xơ cứng rất nguy hiểm. Lúc này người bệnh sẽ có cảm giác luồng điện chạy dọc từ cổ xuống cột sống, sau đó lan xuống tay, chân và các ngón tay, ngón chân. Biểu hiện này rõ hơn khi bệnh nhân cúi cổ về trước.
Nguyên nhân
– Sự phát triển quá mức của xương: Đây là kết quả của việc cơ thể cố gắng phát triển để giúp cột sống chắc khỏe hơn. Tuy nhiên, phần xương này có thể phát triển quá mức đè lên các vùng mỏng manh của cột sống như tủy sống và dây thần kinh, dẫn đến đau nhức vùng cổ.
– Đĩa đệm cột sống bị mất nước: Ở giữa các xương cột sống chính là đĩa đệm. Chúng có vai trò giống như lớp đệm với công dụng hấp thụ lực, giảm sốc khi bạn nâng vật nặng, vặn người và thực hiện các hoạt động khác trong cuộc sống. Lớp nhân này có cấu tạo giống như gel nên có thể khiến đĩa đệm bị mất nước theo thời gian. Điều này làm cho các đốt xương dễ cọ xát vào nhau và gây nên tình trạng đau đớn do bị thoái hóa. Quá trình này có thể bắt đầu xảy ra với mỗi người chúng ta từ độ tuổi 30 trở đi.

– Đĩa đệm bị hư hại: Đĩa đệm cột sống có thể bị rách, nứt khiến cho lớp nhân bên trong bị rò rỉ. Lớp gel này có thể đè lên tủy sống và dây thần kinh, dẫn đến các triệu chứng như đau mỏi, tê bì dần lan xuống cánh tay…
– Các loại chấn thương: Nếu bạn từng bị chấn thương ở cổ chẳng hạn như bị ngã do tai nạn giao thông, tai nạn lao động hay thậm chí là tai nạn trong nhà thì cũng có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa, tổn thương đĩa đệm và gây thoát vị.
– Dây chằng mất sự mềm dẻo: Dây chằng có vai trò kết nối các xương cột sống lại với nhau để giúp chúng ta linh hoạt trong các hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, theo thời gian, các dây chằng cũng có nguy cơ bị lão hóa, không còn mềm dẻo như ban đầu và làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cột sống cổ.
– Đặc thù nghề nghiệp: Một số nghề nghiệp hoặc sở thích liên quan đến các chuyển động lặp đi lặp lại hoặc mang vác nặng như nhân viên văn phòng, công nhân xây dựng, người tập gym… có thể gây thêm áp lực lên cột sống, dẫn đến sự hao mòn sớm và thoái hóa cột sống cổ.
Làm việc máy tính nhiều, thường xuyên ngồi một chỗ, ít vận động là một trong những nguyên nhân gây ra thoái hóa đốt sống cổ. Bệnh gây cảm giác khó chịu, đau ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống sinh hoạt cá nhân của người bệnh. Chính vì thế bạn cần tạo lập cho mình thói quen chủ động bảo vệ sức khỏe ngay tại nơi làm việc. Để phòng tránh và điều trị sớm bệnh thoái hóa đốt sống cổ nên có một chế độ ăn hợp lý, vận động thư giãn, luyên tập, xoa bóp vai gáy để cho máu được lưu thông tốt, tránh tình trạng bị thoái hóa. Sau đây là một số động tác đơn giản giúp bạn thư giãn và phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ:

1. Động tác trượt cổ
Bắt đầu với cổ thẳng. Từ từ đẩy cằm ra trước. Giữ trong 5 giây và quay lại vị trí ban đầu. Lặp lại 10 lần

2. Ưỡn cổ
Không còng lưng, từ từ đưa đầu ra sau sao cho mắt nhìn lên trên. Giữ trong 5 giây. Quay trở lại vị trí ban đầu.

3. Xoay cổ
Bắt đầu với tư thế nhìn thẳng. Từ từ xoay đầu sang trái. Giữ trong 10 giây, sau đó quay lại tư thế ban đầu. Làm tương tự với bên phải. Lặp lại 10 lần.
4. Nghiêng sang bên
Bắt đầu bằng tư thế nhìn thẳng. Từ từ nghiêng đầu sang trái. Dùng tay trái làm lực đối kháng, sử dụng cơ cổ để chống lại lực đối kháng. Giữ trong 5 giây, sau đó quay lại vị trí ban đầu. Tiếp tục tương tự như vậy với bên phải. Lặp lại 10 lần.
5. Nhún vai
Bắt đầu bằng tư thế nhìn thẳng. Từ từ nâng hai vai lên. Giữ trong vòng 5 giây, sau đó quay lại tư thế ban đầu. Lặp lại 10 lần.
6. Cúi nghiêng về phía trước
Bắt đầu bằng nhìn thẳng về phía trước. Từ từ xoay và hạ cằm về phía ngực. Giữ trong 5 giây, sau đó quay lại vị trí ban đầu. Lặp lại 10 lần.
7. Chống lực đối kháng
Giữ đầu ở tư thế trung gian ở các tư thế. Dùng tay tác dụng lực lên đầu với các tư thế trong hình trong 5 giây sau đó thả lỏng. Cúi – đặt tay ở trán. Ưỡn – đặt tay ở gáy.
8. Bài tập với khăn tắm
Cuộn khăn tắm lại và đặt vòng sau gáy, dùng hai tay giữ hai đầu khăn tắm. Từ từ đưa mắt nhìn ra xa bằng cách ngửa đầu trên khăn tắm. Qua khăn, dùng một lực vừa phải tác động lên cột sống cổ khi ngửa đầu ra sau. Không giữ quá lâu, quay lại vị trí ban đầu. Lặp lại động tác 10 lần.

Bài tập với khăn tắm.
Hãy chú ý tư thế hoạt động và thực hiện bài tập này mỗi ngày để ngăn ngừa thoái hóa đốt sống cổ nhé !
0 comment