Sốt xuất huyết Dengue là bệnh do virus do muỗi truyền có tốc độ lây lan rất nhanh và là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định vào năm 2019. Sốt xuất huyết chủ yếu lây lan bởi muỗi Aedes aegypti và ở mức độ thấp hơn là muỗi Aedes albopictus.
Bệnh do bất kỳ loại nào trong 4 loại huyết thanh vius Dengue (chi Flavivirus, họ Flaviviridae) gây ra (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.), mỗi loại có thể gây sốt xuất huyết hoặc sốt xuất huyết nặng. Tỷ lệ phổ biến của các loại huyết thanh riêng lẻ khác nhau ở các khu vực địa lý, quốc gia, khu vực, mùa khác nhau và theo thời gian.

Việc phục hồi sau khi bị nhiễm bởi một loại huyết thanh cung cấp khả năng miễn dịch suốt đời chỉ chống lại loại huyết thanh đó và sau đó tiếp xúc với bất kỳ loại huyết thanh nào còn lại có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh nặng.
DỊCH TỄ HỌC
Dựa trên môi trường sống “ưa thích” của tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết là muỗi Aedes, ta có thể xác định được các khu vực mà bệnh sốt xuất huyết phổ biến trên thế giới là Đông Nam Á, Ấn Độ, phía Nam Trung Quốc, Trung Đông, Trung Mỹ, Nam Mỹ, khu vực Caribe, châu Úc, châu Phi và Thái Bình Dương.
Bệnh sốt xuất huyết đặc biệt phổ biến ở một số vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ và các vùng khí hậu nhiệt đới của Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Ở Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành rất phổ biến ở cả 4 khu vực bao gồm miền Bắc, Trung, Nam và khu vực Tây Nguyên. Theo kết quả thống kê của cổng thông tin điện tử Bộ Y Tế Việt Nam, trong số các ca mắc sốt xuất huyết thì số lượng ca mắc sốt xuất huyết do virus Dengue chiếm đến 85%, trong đó có đến 90% ca tử vong là các bệnh nhân có độ tuổi dưới 15.
Có thể thấy, bệnh sốt xuất huyết do muỗi Aedes làm trung gian lây truyền tại Việt Nam đã và đang trở thành “nỗi lo sợ” to lớn trong cộng đồng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh mà sốt xuất huyết còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của họ. Vì vậy, chúng ta cần luôn đề cao cảnh giác trước những mầm mống có thể lây bệnh và tuyệt đối tuân theo những khuyến cáo về phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue dễ gây ra đại dịch và các đợt bùng phát đã được quan sát thấy ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới và gần đây đã gây ra các đợt bùng phát ở Mỹ và châu Âu. Theo WHO, dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới diễn biến phức tạp, ước có khoảng 2,5 tỉ người sống trong vùng sốt xuất huyết lưu hành, tỉ lệ tử vong trung bình 1%.
WHO tiếp tục nhận định, xu hướng dịch sốt xuất huyết còn phức tạp và có thể gia tăng các ca tử vong, đặc biệt tại châu Mỹ Latinh, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
NGUYÊN NHÂN MẮC BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
Người nhiễm virus Dengue do muỗi cái thuộc chi Aedes đốt. Muỗi Aedes aegypti là véc tơ truyền bệnh chủ yếu ở hầu hết các khu vực bệnh lưu hành. Muỗi Aedes aegypti hoạt động vào ban ngày và chỉ có muỗi cái mới đốt người và truyền bệnh. Khi muỗi cái Aedes hút máu bệnh nhân nhiễm virus dengue, virus này sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 đến 11 ngày. Trong khoảng thời gian sống còn lại sau đó, muỗi có nguy cơ truyền bệnh cho người. Khi virus vào cơ thể người, chúng tuần hoàn trong máu từ 2 đến 7 ngày. Trong khoảng thời gian này nếu muỗi Aedes hút máu thì virus được truyền cho muỗi.
SINH LÝ CỦA BỆNH
Nhiễm virus Dengue thường không có biểu hiện rõ ràng. Sốt dengue cổ điển (thể nhẹ) chủ yếu xuất hiện ở người lần đầu mắc bệnh, chưa có miễn dịch. Sốt xuất huyết dengue/Hội chứng sốc dengue (thể nặng) thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, khi bệnh nhân đã có sẵn miễn dịch chủ động (do đã bị bệnh) hoặc thụ động (do mẹ truyền sang) đối với một loại huyết thanh khác. Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2 đến 5 ngày (giai đoạn hạ sốt). Các phức hợp kháng nguyên-kháng thể lưu hành trong máu, sự hoạt hóa hệ thống bổ thể và giải phóng các chất hoạt mạch có thể gây nên tăng tính thấm mao mạch đối với huyết tương, xuất huyết và có thể là đông máu nội mạch lan tỏa. Trong quá trình đào thải miễn dịch của các tế bào nhiễm virus, các protease và lymphokine được phóng thích gây hoạt hóa hệ thống bổ thể cũng như các yếu tố tăng tính thấm thành mạch.
TRIỆU CHỨNG
1. Thời kỳ ủ bệnh: 3 – 6 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày.
2. Sốt Dengue
Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.
Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi). Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp có thể bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc. Như vậy biểu hiện xuất huyết không chỉ sốt xuất huyết dengue mới có
3. Sốt xuất huyết Dengue
Giai đoạn sớm của bệnh không thể phân biệt được với sốt dengue. Tuy nhiên thường sau từ 2 đến 5 ngày, tức là vào giai đoạn hạ sốt, một số trường hợp nhiễm trùng đầu tiên và đa số các nhiễm trùng thứ phát sau khi đã nhiễm một loại huyết thanh khác có biểu hiện hạ tiểu cầu (< 100.000/mm³) và cô đặc máu. Thường thì giảm tiểu cầu xảy ra trước cô đặc máu. Biểu hiện xuất huyết có thể xảy ra hoặc không. Các biểu hiện xuất huyết thường gặp trong sốt xuất huyết dengue gồm xuất huyết dưới da tự phát hoặc sau tiêm chích, chảy máu chân răng, chảy máu mũi và xuất huyết tiêu hóa. Lá lách thường không lớn. Nếu gan lớn và đau thì đây là những dấu hiệu bệnh nặng. Các biểu hiện khác có thể gồm tràn dịch màng phổi, giảm protein máu, bệnh lý não với dịch não tủy bình thường.
Tính thấm mao mạch gia tăng, với hậu quả thoát huyết tương ra ngoài khoang dịch kẽ với lượng lớn, là nguyên nhân của tình trạng cô đặc máu. Khi bệnh nhân có đồng thời hai dấu hiệu giảm tiểu cầu và cô đặc máu thì được chẩn đoán là sốt xuất huyết dengue và được phân loại theo WHO:
Độ I: giảm tiểu cầu kèm cô đặc máu nhưng không có chảy máu tự phát.
Độ II: giảm tiểu cầu và cô đặc máu kèm theo chảy máu tự phát.
Độ III: giảm tiểu cầu và cô đặc máu, huyết động không ổn định: mạch lăn tăn, huyết áp kẹp (hiệu số huyết áp tâm thu – huyết áp tâm trương < 20 mm Hg), tay chân lạnh, tinh thần lú lẫn.
Độ IV: giảm tiểu cầu và cô đặc máu, sốc biểu hiện rõ: bệnh nhân không có mạch ngoại biên, huyết áp = 0 mm Hg.
Nếu được điều trị thoát sốc thì bệnh nhân lành bệnh nhanh chóng và rất hiếm có di chứng
CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ
Chẩn đoán Dengue thường dựa vào các yếu tố dịch tễ, biểu hiện lâm sàng như trình bày ở trên cũng như dựa vào các xét nghiệm đơn giản: số lượng bạch cầu, số lượng tiểu cầu và hematocrit.
Khi có những dấu hiệu nghi ngờ hãy đến Bến viện hoặc trung tâm y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời
DỰ PHÒNG
Giảm thiểu các khu vực có nước đọng, là nơi đẻ trứng của muỗi.
Đậy kín các dụng cụ chứa nước, giảm tối đa các vật dụng có thể chứa nước mưa (lốp xe cũ, chén bát cũ…), hay nước sạch như bình bông, bàn cầu trong các phòng trống không có người ở, hầm nước ở các chung cư . Có thể dùng các loại sinh vật trong nước tiêu diệt trứng của muỗi. Khi có dịch thì đôi khi phải cần đến phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng (một cá thể muỗi Aedes cái có thể đẻ từ 100 đến 200 trứng; nếu điều kiện môi trường thuận lợi, chỉ mất khoảng 2 ngày để trứng nở thành ấu trùng, mất khoảng 7 ngày để từ ấu trùng phát triển thành nhộng và muỗi trưởng thành)
Phương pháp bảo hộ cá nhân như mang tất, vớ dài, dùng thuốc xua muỗi, tránh nhưng nơi có mật độ véc tơ truyền bệnh cao.

Tiêm vắc xin: Hiện nay đã có vắc xin phòng ngừa sốt xuất huyết. Vắc xin sốt xuất huyết hoạt động trên cơ chế kích thích tạo ra khả năng miễn dịch một cách chủ động với các chủng virus Dengue gây ra sốt xuất huyết Dengue. Tiêm vắc xin phòng sốt xuất huyết có thể kích thích cơ thể tạo ra kháng thể đặc hiệu, chủ động với các tuýp virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết, nhờ đó giảm thiểu đáng kể nguy cơ mắc bệnh, giảm thiếu tối đa những hệ lụy đáng tiếc đến sức khỏe bản thân và cộng đồng. Số mũi tiêm phòng cũng như hiệu quả lâm sàng còn tùy vào từng loại vắc xin của các nhà sản xuất.

Hiện tại đã có 2 loại vắc xin: Takeda và Dengvaxia
- Vắc xin Qdenga có khả năng bảo vệ chống lại cả 4 nhóm huyết thanh của virus Dengue, bao gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4, được chỉ định chủng ngừa cho người từ 4 tuổi trở lên áp dụng lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng. Hiệu lực lâm sàng của vắc xin Qdenga cao trên 80% trong việc phòng bệnh sốt xuất huyết và giúp ngăn chặn hơn 90% nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết nặng, biến chứng nguy hiểm và nhập viện điều trị. Tính đến hết tháng 08/2024, vắc xin Qdenga đã được phê duyệt ở hơn 40 quốc gia, gồm: Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh, Brazil, Argentina, Indonesia, Thái Lan và Malaysia… Tại Brazil, Argentina và Indonesia, được phê duyệt sử dụng trong chương trình Tiêm chủng quốc gia.
- Vắc xin Dengvaxia là vắc xin sốt xuất huyết sống tái tổ hợp đầu tiên được cấp phép, chỉ định tiêm theo liệu trình 3 mũi với khoảng cách giữa các mũi là 6 tháng, dành cho những người trong độ tuổi 9 – 45 hoặc 9 – 60 (tùy thuộc vào phê duyệt theo quy định của từng quốc gia) sống tại các quốc gia hoặc khu vực lưu hành sốt xuất huyết. Dengvaxia yêu cầu những người này phải sàng lọc trước khi tiêm vắc xin để phát hiện tình trạng nhiễm virus sốt xuất huyết trước đó. Chỉ những người có kết quả xét nghiệm dương tính mới được tiêm vắc xin. Do yêu cầu sàng lọc trước khi tiêm vắc xin, loại vắc xin này hiện không được sử dụng rộng rãi.
Những thông tin trên đây giúp bạn hiểu rõ hơn về sốt xuất huyết và cách chủ động phòng ngừa và bạn cần đến trung tâm tiêm chủng hoặc các cơ sở y tế uy tín, đảm bảo được toàn bộ các yêu cầu khi tiêm vắc xin phòng ngừa sốt xuất huyết như độ tuổi, tình trạng sức khỏe hiện tại,…
0 comment