Gan của một người bình thường nặng khoảng 1.500 gr, chiều rộng khoảng 15 cm. Khối lượng và kích thước này có thể thay đổi tùy thuộc vào từng người. Gan có hình nêm, màu nâu đỏ sẫm. Gan là cơ quan nội tạng nặng nhất, là tuyến lớn nhất trong cơ thể con người. Gan giữ nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể. Một số chức năng quan trọng của Gan bạn cần biết:


1.Chức năng tổng hợp
- Gan tổng hợp protein: tế bào gan sản xuất gần 50% lượng protein trong cơ thể. Do đó, gan có khả năng tái sinh rất mạnh, gan có thể tự tái tạo trở lại sau khi bị cắt bỏ một phần.
- Gan tổng hợp các yếu tố trong quá trình đông máu như fibrinogen, phức hệ protrombin, heparin.
- Gan tổng hợp hormone angiotensinogen, có vai trò điều hòa huyết áp.
- Gan tổng hợp albumin, là protein phổ biến nhất trong huyết thanh. Albumin giúp vận chuyển acid béo, hormone steroid giúp duy trì áp lực máu và ngăn ngừa rò rỉ mạch máu.
2.Chức năng dự trữ
Gan dự trữ glycogen, lipid, các protein, sắt, vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin K và vitamin B12. Ngoài ra, gan còn dự trữ sắt từ hemoglobin dưới dạng ferritin để sẵn sàng tạo ra các hồng cầu mới.
- Dự trữ glucid: ganlưu trữ glucose dưới dạng glycogen. Khi cơ thể cần năng lượng, glycogen sẽ được giải phóng và chuyển hoá lại thành glucose, cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống như hoạt động cơ bản, tập luyện cường độ cao và duy trì đường huyết ổn định trong thời gian đói.
- Dự trữ lipid: gan dự trữ chất béo (lipid) cho cơ thể bằng cách lấy chất béo từ 3 nguồn: một là chất béo trực tiếp từ bữa ăn, hai là sự tổng hợp chất béo từ các nguồn đường và đạm dư thừa, ba là quá trình “đốt cháy” mỡ từ các mô mỡ.
- Dự trữ máu: gan có khả năng lưu trữ máu thông qua một cơ chế gọi là hệ thống cổng gan (hepatic portal system). Các tĩnh mạch trong gan là một hệ thống mạch máu phức tạp có vai trò chuyển hướng máu từ ruột non và dạ dày đến gan trước khi nó được chuyển đến tim. Trong vòng đời của con người, gan trực tiếp tham gia vào quá trình tạo ra máu khi cơ thể còn là bào thai và hoạt động như một cơ quan “tái chế” máu khi trưởng thành. Để dự trữ máu, gan sở hữu một cấu tạo tương đối đặc biệt. Các tế bào gan thường không gắn chặt vào nhau mà chỉ xếp chồng lên nhau, do đó chúng có thể dễ dàng giãn to ra để chứa được nhiều máu hơn, thực hiện chức năng dự trữ máu. Nhờ chức năng dự trữ máu mà gan có thể kiểm soát việc lưu thông lưu lượng máu trong cơ thể, đồng thời liên tục điều chỉnh hàm lượng đường, vitamin và khoáng chất trong máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
- Dự trữ sắt: Sắt được dự trữ tại gan dưới dạng ferritin liên kết với apoferritin. Khi cơ thể cần sắt, gan sẽ đưa vận chuyển sắt đến cơ quan tạo máu nhờ protein transferrin để tham gia vào quá trình tạo hồng cầu, chức năng này giúp gan điều hoà cân bằng nồng độ sắt trong cơ thể, tránh được tình trạng thiếu máu hoặc dư thừa sắt.
- Dự trữ vitamin: gan có khả năng lưu trữ một số loại vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E và K. Đây là những chất quan trọng cho các quá trình sinh hoạt và chức năng của cơ thể. Khi cơ thể cần, gan có thể giải phóng vitamin dự trữ để đáp ứng nhu cầu tức thời của cơ thể.

3.Chức năng sản xuất mật
Mật là một chất lỏng màu xanh hoặc vàng, pH khoảng 7-7,7. Mỗi ngày gan tiết ra khoảng 0,5 lít mật. Mật có tác dụng hòa tan chất béo và các loại vitamin tan trong chất béo (A, D, E, K), từ đó hỗ trợ quá trình tiêu hoá. Tại gan, mật được sản xuất liên tục thông qua quá trình tổng hợp muối mật, cholesterol, bilirubin và các chất khác tại tế bào gan, sau khi được tổng hợp, được dự trữ cô đặc ở túi mật. Trong các bữa ăn, túi mật sẽ co bóp để bơm mật xuống ruột non, sẵn sàng tham gia vào quá trình tiêu hoá. Trong mật gồm có muối mật, sắc tố mật, cholesterol, bilirubin, chất điện giải và nước. Mật có vai trò giúp ruột non phân giải và hấp thụ hất béo, cholesterol và một số vitamin.
4.Chức năng chuyển hóa
Gan thực hiện chức năng chuyển hóa, biến đổi thức ăn thành những chất cần thiết cho sự sống và phát triển.
- Chuyển hóa carbohydrate: gan lưu trữ carbohydrate dưới dạng glycogen. Khi cơ thể cần, gan sẽ phân hủy glycogen thành glucose giải phóng vào máu để duy trì mức đường máu bình thường.
- Chuyển hóa chất béo: dịch mật được tiết ra từ gan giúp phá vỡ chất béo, oxy hóa chất béo cung cấp năng lượng cho cơ thể.
- Chuyển hóa protein: sự chuyển hóa protein ở gan xảy ra rất mạnh mẽ, giúp phá vỡ protein để tiêu hóa.
5. Chức năng thải độc
Gan còn được coi là một “bộ lọc” giúp ngăn chặn các độc tố xâm nhập vào cơ thể thông qua qua đường tiêu hóa nhờ việc kiểm soát độc tính và đào thải một số chất cặn bã trong cơ thể ra ngoài. Chức năng chống độc của gan được thực hiện thông qua 2 con đường sau:
- Phản ứng hóa học: Các phản ứng hoá học thường xảy ra tại gan bao gồm phản ứng oxy hóa khử, phản ứng tạo ure, phản ứng liên hợp,… Những phản ứng này giúp hòa tan hoặc làm biến mất một số độc tố (chẳng hạn như amoniac, rượu, thuốc, caffeine, thủy ngân, thiếc, chì và cadmium), tạo ra chất mới không độc hoặc ít độc và chuyển chúng xuống thận để thải ra bên ngoài;
- Quá trình tạo phức chelate: Tạo phức hợp chelate là quá trình khiến một hoặc nhiều phân tử gắn kết với kim loại nặng, tạo thành hợp chất ổn định và dễ dàng loại bỏ khỏi cơ thể thông qua đường mật hoặc niệu quản.
Tóm lại, Gan là một cơ quan đa chức năng, đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình sinh lý của cơ thể. Việc duy trì một lá gan khỏe mạnh là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe tổng thể.
0 comment